Rèn Luyện Và Phát Triển Kỹ Năng Viết Tốt Hơn Mỗi Ngày

Bùi Kiệt Anh
10 phút
Rèn luyện và phát triển kỹ năng viết tốt hơn mỗi ngày

Sẽ không có bất kỳ thước đo nào có thể giúp xác định được khả năng viết lách của bạn là cao hay thấp. Nhưng một khi, bạn có thể hiểu rõ ràng hơn, sâu sắc hơn, tư duy logic hơn và vận dụng ngôn từ tốt hơn để diễn đạt trọn vẹn một chủ đề nào đó đến với nhiều người hơn thì đó cũng là lúc bạn có thể trở thành một cây bút chuyên nghiệp. Như bạn đã biết, dù là nhà báo, nhà biên kịch hay tiểu thuyết gia có tài năng thiên phú thì họ cũng phải trải qua một quá trình miệt mài rèn luyện và viết mỗi ngày để tạo ra được một tác phẩm thành công. Nếu bạn muốn theo nghiệp cầm bút hay chỉ đơn thuần là viết tốt hơn thì dưới đây là những việc quan trọng mà bạn cần phải làm:

Đọc để viết

Kỹ năng viết đòi hỏi người viết nội dung phải có sự cảm thụ sâu sắc trong cuộc sống, vốn từ đa dạng, tạo được màu sắc riêng biệt… và đọc sẽ góp phần mang lại cho bạn điều này.

Đọc mỗi ngày giúp bạn tham khảo được những cách viết mới lạ, kiến thức, trí tưởng tượng của từng tác giả. Tuy nhiên, chỉ nên học hỏi và tham khảo, viết đề cao sự sáng tạo, tránh trường hợp “đạo nhái” hoặc bị ảnh hưởng giọng văn, phong cách, màu sắc của bất kỳ ai.

Đọc để viết giúp cải thiện tốt khả năng viết

Đừng coi việc đọc là một điều gì ép buộc bản thân, biến việc đọc thành một trải nghiệm tuyệt vời. Mỗi một cuốn sách khi khép lại phải đọng lại cho bạn nhiều cảm xúc về thế giới bên trong câu chuyện, được hòa mình vào nhân vật và cảm nhận chúng.

Chính vì vậy, hãy đọc những thứ mà ở đó bản thân bạn có sự hứng thú, đắm chìm và say mê, nó có thể là một cuốn sách học thuật đúng với sở trường của bạn, một tác phẩm văn học, một nội dung hay trên các diễn đàn, tạp chí, báo… Thay vì đọc suông một tác phẩm nào đó, bạn nên hình thành những tư duy kết nối, so sánh giữa nhiều tác phẩm với nhau trong quá trình đọc để có thể lĩnh hội nhiều hơn.

Viết thật nhiều, viết mỗi ngày

Thói quen viết mỗi ngày chính là con đường hiệu quả giúp cho suy nghĩ, tâm tư của bạn được hình thành trên các con chữ. Bạn có thể viết bất kỳ điều gì mà bạn muốn, một mong ước trong lai, cảm xúc về điều gì đó hay đơn giản là một ngày của bạn diễn ra như thế nào.

Ngoài ra, việc đọc lại sau khi viết xong cũng không kém phần quan trọng, giúp bạn nhận thức được những vấn đề bản thân đang gặp phải trong bài viết của mình như lỗi chính tả, sắp xếp câu chữ không hợp lý, hay sử dụng ngôn từ không phù hợp với ngữ cảnh… Quá trình này giúp bạn mở rộng suy nghĩ, cảm nhận và tư duy logic. Bên cạnh đó, việc sử dụng ngôn từ, sắp xếp câu cũng được cải thiện đáng kể theo thời gian.

Viết dưới áp lực thời gian

Rèn luyện kỹ năng viết dưới áp lực thời gian cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu để nâng cao ngòi bút của bạn. Ví dụ, việc dành thời gian quá nhiều cho một bài viết khoảng 1000 từ khiến cho khả năng tư duy của bạn sẽ được coi là chậm chạp và kỹ năng viết lách cũng bị ảnh hưởng.

Để cải thiện điều này, hãy đặt ra những mốc thời gian ngắn hơn cho lần viết sau. Việc tạo giới hạn cho thời gian viết chính là cách cải thiện sự nhạy bén quá trình tư duy và truyền đạt chúng thông qua con chữ.

Cải thiện kỹ năng viết bằng cách viết dưới áp lực thời gian

Ngoài ra, việc phân bổ thời gian tốt giúp bạn có thể hoàn thành nhiều công việc mà vẫn đảm bảo chất lượng của bài viết. Quá trình này bao gồm từ bước nghiên cứu, viết bài cho đến khi hoàn thiện bài viết, giúp bạn cân bằng được khối lượng công việc một cách hiệu quả nhất. Cuối cùng, không chỉ kỹ năng viết lách của bạn được hoàn thiện mà hiệu suất làm việc cũng sẽ nâng cao đáng kể.

Thử sức với nhiều thể loại, phong cách và cấu trúc khác nhau

Cách viết cứng nhắc theo một lối mòn, khiến người đọc dễ dàng cảm thấy nhàm chán. Để thành công trong lĩnh vực viết lách, đừng giới hạn bản thân trong lĩnh vực nào, bạn nên mở rộng ngòi bút của mình với nhiều chủ đề, thể loại khác nhau như: hiện thực, châm biếm, ký sự, tự truyện, viễn tưởng,… Những phong cách viết mới, chủ đề mới sẽ giúp bạn đa dạng lối diễn đạt, mở rộng nguồn kiến thức, ngôn từ cũng như có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn.

Tạo không gian thoải mái nhất khi viết

Công việc viết lách đòi hỏi phải có sự tập trung nhất định. Một không gian thoải mái giúp bạn có tâm hồn thư thái và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì như những cuộc tán gẫu, chuông điện thoại, tiếng ồn… Từ đó, bạn sẽ nảy ra nhiều ý tưởng tuyệt vời cho bài viết của mình hoặc chỉ đơn giản là hoàn thiện bài viết một cách nhanh chóng.

Bạn có thể ở trong phòng một mình trước khung cửa sổ, hoặc một góc khuất nơi thư viện, quán cà phê… hãy đảm bảo rằng bạn thực sự cảm thấy thư giãn và sẵn sàng cho việc viết lách.

Tập trung khi viết

Tập trung là yếu tố vô cùng quan trọng để giữ mạch bài viết xuyên suốt từ mở đầu cho đến phần kết. Trong trường hợp bạn bị xao nhãng bởi những tạp âm hoặc vấn đề gì đó, dòng chảy ý tưởng có thể bị ngừng, khiến cho giọng văn trở nên lủng củng, kéo dài thời gian viết bài. Việc rèn kỹ năng tập trung trong quá trình viết lách rất cần thiết, bởi nó sẽ phản ánh năng lực viết lách, cũng như sự nghiêm túc của bạn đối với tác phẩm của mình.

Nâng cao khả năng tập trung để viết tốt hơn

Tuy nhiên, hãy tập trung trong sự thoải mái, sáng tạo với tinh thần thư thái và đầy cảm xúc. Điều này trái ngược hoàn toàn so với sự gò bó, ép buộc bản thân phải suy nghĩ, phải viết. Một bài viết thành công sẽ chỉ được tạo nên bởi những cảm xúc thăng hoa nhất.

Có rất nhiều phương pháp để cải thiện sự tập trung trong quá trình viết lách. Bạn có thể sử dụng công cụ “Focus View” (của Microsoft Word) hoặc tắt Wifi để giảm tối đa những vấn đề có thể gây phân tâm trong khoảng thời gian viết như thông báo, tin nhắn.

Nhờ người khác đọc và lắng nghe nhận xét của họ

Sau khi hoàn thành xong một tác phẩm, ngoài việc đọc và rà soát lại, bạn cũng nên đem chúng cho người khác đọc. Việc lắng nghe ý kiến phản hồi từ người khác không chỉ giúp bạn phát hiện ra những lỗi cơ bản trong cách hành văn, sử dụng ngôn từ, cách biểu đạt… mà còn có thêm nhiều góc nhìn, khía cạnh mới về chủ đề đó, bạn có thể sử dụng điều này để bổ sung hoặc làm mới cho bài viết của mình.

Mặc dù, những nhận xét có thể mang tính xây dựng hoặc là những lời phê bình tiêu cực, nhưng việc tiếp thu và chắt lọc chúng cũng là một giải pháp nâng cao kỹ năng viết lách. Những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực viết lách sẽ đưa ra những đánh giá thiết thực và khách quan nhất.

Có thể Myelin[1] là yếu tố cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa những người có kỹ năng kiệt xuất và kỹ năng tầm thường. Nhưng “Thành công = Rèn luyện sớm + Có chủ đích + Sự bền bỉ”, giống như Albert Einstein[2] từng nói: “Thiên tài 1% đến từ bẩm sinh và 99% đến từ rèn luyện” thì chúng tôi tin rằng: cho dù bạn không phải là người có khả năng viết thiên phú, thì bạn vẫn có thể trở thành một Content Writer giỏi nếu tự mình tạo ra một lộ trình rèn luyện đúng đắn và theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Tham khảo

  1. Myelin”. Vi.wikipedia.org. Ngày 16 tháng 6 năm 2018.‎ Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  2. Albert Einstein”. Vi.wikipedia.org. Ngày 8 tháng 3 năm 2005. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
Bùi Kiệt Anh
SEOer và người phát triển nội dung tại UptopZ Media. Bắt đầu bén duyên với ngành SEO từ năm 2016, Kiệt Anh chuyên tổng hợp tin tức liên quan đến thuật toán và xu hướng mới nhất của các công cụ tìm kiếm để tạo nội dung hướng dẫn chiến lược tối ưu từ khóa, cải thiện thứ hạng và tăng cường lưu lượng truy cập hữu ích cho website của chính bạn.
Chia sẻ bài viết