Công cụ tìm kiếm là hệ thống máy trả lời tự động được thiết kế cho việc thực hiện các tìm kiếm trên web. Mỗi công cụ tìm kiếm được lập trình theo một cách riêng, hoạt động bằng cách thu thập hàng trăm tỷ thông tin trên World Wide Web, sau đó phân loại, đánh giá chất lượng dữ liệu và trả về kết quả đáp ứng theo truy vấn của người dùng dưới nhiều định dạng khác nhau.
SEO là quá trình tối ưu hóa trang web và nhận được lưu lượng truy cập miễn phí thông qua các kết quả hiển thị trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm (SERP). Để trang web của bạn xuất hiện bên trong SERP, trước tiên bạn cần hiển thị trang web của mình cho các công cụ tìm kiếm. Sẽ không có bất kỳ vị trí thứ hạng nào dành cho bạn, nếu các URL của bạn không xuất hiện trong Hệ thống chỉ mục tìm kiếm. Vậy làm thế nào để công cụ tìm kiếm nhìn thấy được trang web của bạn
Hãy cùng UptopZ Media “giải phẫu” cách công cụ tìm kiếm chuẩn bị các kết quả hiển thị và cam kết thông tin tốt nhất dành cho người dùng trước cả khi họ nhập cụm từ tìm kiếm.
Trình thu thập thông tin là gì?
Trình thu thập thông tin là phần mềm tự động thu thập dữ liệu (tìm nạp) các trang trên web và lập chỉ mục cho các trang đó. Chúng còn được gọi Bot tìm kiếm hay Trình thu thập dữ liệu của các công cụ tìm kiếm.
- Googlebot – Tên gọi chung của Trình thu thập dữ liệu của Google.
- Coccoc Bot – Tên gọi chung của Trình thu thập dữ liệu của Cốc Cốc.
- Baidu Bot – Tên gọi chung của Trình thu thập dữ liệu của Baidu.
- Yandex Bot – Tên gọi chung của Trình thu thập dữ liệu của Yandex.
- Bing Bot – Tên gọi chung của Trình thu thập dữ liệu của Bing.
- Yahoo Bot – Tên gọi chung của Trình thu thập dữ liệu của Yahoo, v.v..
Quá trình công cụ tìm kiếm hoạt động

Google lấy thông tin khắp mọi nơi từ các nguồn dữ liệu công khai của trên Internet và tạo ra kết quả từ các trang web đã thu thập được qua ba bước cơ bản:
- Thu thập thông tin.
- Lập chỉ mục.
- Phân phát – Xếp hạng kết quả.
Thu thập thông tin
Thu thập thông tin (hay thu thập dữ liệu) là quá trình Googlebot phát hiện ra trang mới để thêm vào danh sách xem sau để xem xét, phân loại và đánh giá tầm quan trọng của nội dung trên trang. Thông thường, bằng cách tải xuống trang web, Bot sẽ đi theo liên kết từ trang này sang trang khác để phát hiện ra trang cần thu thập thông tin. (Các liên kết trên trang có thể là Internal link hoặc External link).
Mặc dù, hệ thống lập chỉ mục của Google được thiết lập đặc biệt chú trọng đến các trang mới xuất hiện trên Web, sự thay đổi vừa được cập nhật của trang hiện có và các liên kết bị hỏng (Mã lỗi 404). Tuy nhiên, môi trường web là một môi trường vô hạn và không phải URL nào xuất hiện công khai trên Internet thì Googlebot cũng nhìn thấy được. Có rất nhiều lý do khiến một số trang hoặc các phần quan trọng bên trong website của bạn bị trình thu thập thông tin bỏ qua do một số lỗi làm gián đoạn quá trình hoạt động của Bot tìm kiếm.
Đây là danh sách vấn đề thường xuyên xảy ra nhất:
- Trang web của bạn là thương hiệu mới chưa được thu thập thông tin.
- Trang web của bạn không được liên kết với bất kỳ trang web nào bên ngoài.
- Cấu trúc trang web lộn xộn.
- Gãy cấu trúc liên kết nội bộ như link hỏng, ngõ cụt, trang mồ côi.
- Chuyển hướng trang bị hỏng.
- Lỗi máy chủ.
- Chặn quyền truy cập của Bot tìm kiếm.
- Tập lệnh hoặc một số yếu tố công nghệ khác trên website không được hỗ trợ.
- Trang web của bạn bị Google phạt vì sử dụng các thủ thuật SEO che giấu.
Ghi chú từ người biên tập
Mỗi trang web có một hạn mức thu thập thông tin riêng, việc tối ưu tốc độ thu thập dữ liệu của Bot phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc trang web và cách thức quản lý nội dung. Đối với Google, trang chủ là trang quan trọng nhất bên trong Website, nếu muốn yêu cầu bot thu thập dữ liệu cho một trang duy nhất, hãy chỉ định trang đó làm trang chủ. Hoặc giúp BOT thu thập nhanh dữ liệu toàn bộ trang web bằng cách điều hướng có hệ thống các liên kết bắt đầu từ trang chủ đến các trang quan trọng trên Website của bạn. Ngoài ra, bạn còn có thể đẩy nhanh tiến độ cào dữ liệu của Bot bằng cách gửi từng URL riêng lẻ trong Google Search Console hoặc gửi nhiều URL cùng lúc với Sơ đồ trang web (Sitemap).
Lập chỉ mục
Là quá trình công cụ tìm kiếm thêm một trang web (URL) vào cơ sở dữ liệu khổng lồ được lưu trữ trên nhiều máy tính của nó, sau khi đã phân tích nội dung, hình ảnh, video, các tệp âm thanh,… chứa các trên URL để khám phá nội dung. Quá trình này được diễn ra hoàn toàn “thụ động”, các URL được “chọn” lập chỉ mục bằng các thuật toán tính kiểm tra chất lượng dựa trên trải nghiệm người dùng. Vì thế, không phải URL nào mà Bot tìm kiếm nhìn thấy cũng được lập chỉ mục và phân phát ra bên ngoài trang kết quả tìm kiếm.
Xem thêm: “14 nguyên nhân chính và cách khắc phục khả năng lập chỉ mục trang web”.
Phân phát, xếp hạng kết quả
Khi người dùng nhập một truy vấn bất kỳ vào công cụ tìm kiếm, Google sẽ sử dụng các Thuật toán tìm kiếm phức tạp để lấy ra danh sách kết quả có thể đáp ứng được mục đích tìm kiếm của họ và hiển thị theo cấp bậc “từ rất liên quan đến ít liên quan hơn” ra ngoài trang SERP. Và đây là những gì họ tập trung:
- Cung cấp trải nghiệm tốt nhất.
- Đáp ứng câu trả lời phù hợp nhất với mục đích tìm kiếm của người dùng.
- Gần với vị trí của người dùng.
- Phù hợp với ngôn ngữ mà người dùng tìm kiếm.
- Tương thích với thiết bị của người dùng sử dụng.
- Còn nhiều thứ khác nữa, v.v..
Thứ hạng trang web là vị trí trang web xuất hiện trong bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm cho một truy vấn cụ thể. Trong đó, điểm xếp hạng của mỗi trang sẽ được đánh giá theo quan điểm của Google về “thẩm quyền” và “tính hữu ích” đối với người dùng cuối. Vì Internet và cách mọi người tìm kiếm không ngừng thay đổi khiến Google phải liên tục điều chỉnh thuật toán xếp hạng, nên vị trí kết quả tìm kiếm không phải trả tiền sẽ biến động theo thời gian.
Đã có hơn 210 yếu tố xếp hạng được công bố, và đây là danh sách 10 yếu tố quan trọng nhất mà trang web của bạn cần đáp ứng:
- Trang web an toàn, có thể truy cập được (HTTP-SSL).
- Giá trị độc đáo của nội dung (Bao gồm: Tính chi tiết và chiều sâu thông tin).
- Tính thân thiện trên mọi thiết bị truy cập.
- Tuổi thọ tên miền, URL và thẩm quyền.
- Tốc độ tải trang.
- Các khía cạnh kỹ thuật trên trang (Technical SEO).
- Cung cấp trải nghiệm người dùng (theo Rankbrain).
- Các liên kết.
- Tín hiệu xã hội.
- Thông tin xác thực của doanh nghiệp.
Google đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn kéo dài hơn “hai thập kỷ” về cách họ tìm kiếm, sắp xếp thông tin web, cách các nhà quảng cáo bán sản phẩm của họ và cách người dùng mua sắm sản phẩm trực tuyến để khiến họ trở thành thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Có rất nhiều thành công và thất bại trong quá trình phát triển của Google được phản ánh thông qua trang kết quả tìm kiếm. Nghiên cứu sự thay đổi trên SERP là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để bạn “chạm được thành công” trong SEO. Hãy thử xem trang kết quả tìm kiếm của Google đã phát triển tới mức nào?
Công cụ tìm kiếm và URL chính tắc

Google và các công cụ tìm kiếm khác đều dùng URL chính tắc để thu thập, lập chỉ mục và xếp hạng nội dung. Nếu nhận thấy nhiều URL chứa nội dung giống hoặc gần giống nhau trong cùng một trang web, Bot sẽ tự động chọn một URL bất kì mà nó cho là hoàn chỉnh để làm URL chính tắc.
Bạn nên chỉ định rõ ràng một trang chính tắc bằng thẻ rel=”canonical” để tối ưu Hạn mức thu thập thông tin, tăng tốc độ Lập chỉ mục cho trang web và giúp Google phân phát các phiên bản trang khác nhau đến với người dùng phù hợp trong kết quả tìm kiếm (ví dụ như: phiên bản dành cho người dùng máy tính và phiên bản dành cho người dùng trên thiết bị điện thoại).
Công cụ tìm kiếm và nội dung đa phương tiện

Mặc dù, các công cụ tìm kiếm có thể lập chỉ mục hầu hết mọi loại trang web và loại tệp. Nhưng chúng hoạt động tốt nhất đối với nội dung ở định dạng văn bản. Bạn nên đưa các nội dung quan trọng mà bạn muốn xếp hạng về định dạng văn bản để Bot tìm kiếm có thể thu thập và lập chỉ mục nhanh chóng hơn.
Ở đây, chúng tôi không nói là bạn “không thể” sử dụng nội dung đa phương tiện. Nhưng không phải công cụ tìm kiếm nào cũng có thể truy cập và hiểu được các nội dung đó. Tốt hơn hết, bạn nên có sẵn định dạng văn bản cho mọi nội dung mà bạn nhúng trong các tệp như Silverlight hoặc video trên trang web của mình. Cách làm này giúp nội dung của bạn dễ dàng tiếp cận với nhiều người dùng hơn vì nhiều người dùng khiếm thị không thể nhìn thấy được hình ảnh mà chỉ có thể tương tác với trang web của bạn bằng cách sử dụng trình đọc màn hình.
Công cụ tìm kiếm và trang web đa ngôn ngữ

Google đã giới thiệu thuộc tính Hreflang dành cho các trang web đa ngôn ngữ. Nếu bạn có một trang web nhắm mục tiêu đến những người ở những khu vực khác nhau với các phiên bản ngôn ngữ khác nhau.
Bạn nên dùng thẻ Hreflang và giúp Google bot thu thập dữ liệu trên tất cả các phiên bản ngôn ngữ hiện có trên trang web bằng cách:
- Giữ nội dung cho từng ngôn ngữ trên các URL riêng biệt.
- Chặn Google lập chỉ mục các bản dịch tự động.
- Tránh chuyển hướng tự động dựa trên ngôn ngữ của người dùng.
- Cung cấp liên kết chéo giữa các trang có cùng một nội dung bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Kết luận
Google liên tục cải tiến và hoàn toàn “giữ bí mật về các thuật toán” bên trong hệ thống lập trình của công cụ tìm kiếm. Bạn không thể SEO thành công nếu chỉ tập trung vào đoán thuật toán và điều chỉnh theo chúng. Hãy tiếp tục tạo ra các nội dung mới mẻ và hữu ích cho người dùng của bạn. “Google sẽ yêu bạn sau khi những người khác yêu bạn”. Hy vọng, bài viết này cung cấp cho bạn những kiến thức tuyệt vời về cách thức hoạt động của công cụ tìm kiếm. Hẹn gặp bạn ở bài viết tiếp theo, trong loạt bài hướng dẫn SEO của UptopZ Media.