Chứng chỉ SSL

Chứng Chỉ SSL – Bảo Vệ Trang Web Bằng Công Nghệ SSL/TLS

Chứng chỉ SSL (hay còn gọi là chứng chỉ khóa công khai hoặc chứng chỉ số) là tài liệu chứng thực quyền sở hữu khóa công khai của một trang web, cho phép thiết lập mã hóa kết nối an toàn giữa máy chủ web và trình duyệt hoặc ứng dụng dựa trên giao thức mật mã TLS.

Tất cả các trang web hợp pháp đều cần có chứng chỉ SSL để xác minh quyền sở hữu và tăng tính bảo mật cho các gói dữ liệu được truyền đi trên Internet. SSL đảm bảo Hacker không thể tạo ra trang web giả mạo hoặc đánh cắp thông tin người dùng dựa vào các phương thức mã hóa mới nhất.

Chứng chỉ SSL thường bao gồm các thông tin chi tiết về bên được cấp chứng chỉ như:

  • Tên miền đã đăng ký cấp chứng chỉ.
  • Người, tổ chức hoặc thiết bị đã đăng ký chứng chỉ.
  • Tên của tổ chức cấp chứng chỉ.
  • Chữ ký của tổ chức cấp chứng chỉ.
  • Tên miền phụ được liên kết.
  • Ngày cấp chứng chỉ.
  • Ngày hết hạn của chứng chỉ.
  • Khóa công khai (khóa riêng tư được giữ bí mật).

Về cơ bản thì khóa công khai và khóa riêng tư chỉ là chuỗi các ký tự dài được dùng để mã hóa và ký dữ liệu. Dữ liệu khi được mã hóa bằng khóa công khai chỉ có thể được giải mã bằng khóa riêng tư.

Các loại chứng chỉ SSL khác nhau là gì?

Xác thực chứng chỉ SSL là quá trình Nhà cung cấp chứng chỉ số (tiếng Anh: Certificate Authority, viết tắt: CA) xác minh quyền sở hữu và điều hành của một cá nhân hoặc tổ chức đối với miền mà họ đăng ký nhận chứng chỉ SSL. Mỗi loại chứng chỉ khác nhau có một cấp độ xác thực chứng chỉ khác nhau, từ xác thực tối thiểu cho đến điều tra lý lịch một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chứng chỉ SSL từ bất kỳ cấp độ xác thực nào thì cũng cung cấp cùng một mức độ mã hóa TLS, điều khác biệt duy nhất là các CA đã xác thực danh tính kỹ lưỡng như thế nào.

Dựa vào cấp độ xác thực các chứng chỉ SSL được chia làm các loại chính:

EV SSL – Chứng chỉ xác thực mở rộng

Chứng chỉ xác thực mở rộng (tiếng anh: Extended Validation certificates, viết tắt EV) là loại chứng chỉ cao cấp nhất và giá thành cũng đắt nhất. EV SSL thường được dùng cho các trang web có cấu hình cao, có hoạt động thu thập dữ liệu và liên quan đến thanh toán trực tuyến. Những trang web sử dụng chứng chỉ này thường hiển thị biểu tượng “ổ khóa đóng, https, tên doanh nghiệp và quốc gia” trên thanh địa chỉ của trình duyệt. Việc hiển thị thông tin của chủ sở hữu trang web trên thanh địa chỉ sẽ giúp người dùng dễ dàng phân biệt chúng với các miền độc hại.

Để nhận được chứng chỉ EV SSL, chủ sở hữu trang web phải trải qua quy trình xác minh danh tính đã được tiêu chuẩn hóa để xác nhận rằng họ được ủy quyền hợp pháp với các quyền độc quyền trên miền.

OV SSL – Chứng chỉ xác thực tổ chức

Chứng chỉ xác thực tổ chức (tiếng anh: Organization Validated certificates, viết tắt OV) có mức độ an toàn tương tự và giá thành đắt thứ hai sau chứng chỉ EV SSL. Mục đích của OV SSL là mã hóa thông tin cá nhân quan trọng của người dùng trong khi tiến hành các giao dịch trên web. Do đó, các trang web thương mại hoặc mua bán công khai buộc phải cài đặt chứng chỉ SSL OV để đảm bảo mọi thông tin mà khách hàng chia sẻ đều được bảo mật. OV SSL giúp phân biệt trang web hợp pháp với các trang web độc hại khác thông qua việc hiển thị thông tin của chủ sở hữu miền. Để có được chứng chỉ này các chủ sở hữu trang web cũng phải hoàn thành quy trình xác thực không hề đơn giản.

DV SSL – Chứng chỉ xác thực tên miền

Chứng chỉ xác thực tên miền (tiếng anh: Domain Validated certificates, viết tắt DV) là một trong những chứng chỉ bảo mật trang web có giá thành thấp và dễ mua nhất. Quá trình xác thực chứng chỉ DV SSL không quá khó khăn nên mức độ mã hóa tối thiểu và bảo mật thấp hơn. Nó thường được dùng cho các Blog hoặc trang web thông tin không liên quan đến thu thập dữ liệu hoặc giao dịch trực tuyến. Các trình duyệt chỉ hiển thị biểu tượng “ổ khóa, https” mà không hiển thị tên doanh nghiệp trên thanh địa chỉ. Do đó, chủ sở hữu trang web chỉ cần trả lời email hoặc gọi điện thoại để chứng minh quyền sở hữu miền để có loại chứng chỉ này.

Phân biệt chứng chỉ SSL – Đơn miền, Đa miền & Ký tự đại diện

Chứng chỉ đơn miền – Single-name SSL certificate

Single-name SSL certificate là loại chứng chỉ SSL bảo vệ cho một tên miền duy nhất. Điều đó có nghĩa là, nó chỉ hoạt động tốt nếu được thiết lập trên “www.example.com“. Còn trong trường hợp “abc.example.com” hay bất kỳ biến thể nào khác thì đều không được áp dụng.

Chứng chỉ SSL đơn miền là lựa chọn hợp lý nhất cho các trang web có nội dung đơn giản và dễ hiểu, bao gồm hầu hết các trang web B2B hoặc các trang thương mại điện tử có tất cả giao dịch diễn ra trên cùng một tên miền.

Chứng chỉ SSL đơn miền (Single Domain SSL Certificate)
Chứng chỉ SSL đơn miền (Single Domain SSL Certificate)

Chứng chỉ ký tự đại diện – Wildcard SSL Certificate

Chứng chỉ SSL ký tự đại diện sẽ cho phép chủ sở hữu bảo mật miền chính và miền phụ không giới hạn trên cùng một chứng chỉ. Nếu bạn có nhiều tên miền phụ cần bảo mật, một giấy chứng nhận Wildcard SSL sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với việc mua nhiều chứng chỉ SSL cá nhân.

Chứng chỉ SSL ký tự đại diện có biểu tượng dấu hoa thị (*) như một phần của tên chung. Các dấu hoa thị cũng đại diện cho các miền phụ có cùng miền cơ sở hợp lệ.

Ví dụ: Một Wildcard SSL Certificate bảo vệ tên miền chính example.com và các miền phụ khác bao gồm:

  • abc.example.com
  • def.example.com
  • asd.example.com
  • zxa.example.com
Chứng chỉ ký tự đại diện - Wildcard SSL Certificate
Chứng chỉ ký tự đại diện – Wildcard SSL Certificate

Chứng chỉ đa miền – Multi-Domain SSL Certificate (MDC)

Chứng chỉ đa miền MDC (Multi-Domain SSL Certificate) có thể được sử dụng để bảo mật nhiều miền hoặc các tên miền phụ. Nó bao gồm sự kết hợp của miền và miền phụ duy nhất với các TLD khác nhau (Miền cấp cao nhất) nhưng nó không bao gồm miền cục bộ/nội bộ.

Ví dụ:

  • example.com
  • example.net
  • example.au
  • example.uk
  • example.org

Chứng chỉ đa miền này sẽ không hỗ trợ miền phụ theo mặc định. Nếu bạn cần bảo mật miền phụ mặc định này, thì khi lấy chứng chỉ cả hai tên máy chủ này đều phải được chỉ định.

Chứng chỉ SSL đa miền (Multi-Domain SSL Certificate)
Chứng chỉ SSL đa miền (Multi-Domain SSL Certificate)

Tại sao nên sử dụng chứng chỉ SSL?

SSL/TLS hiện đang là tiêu chuẩn bảo mật trang web hàng đầu trên thế giới. Mọi trang web đều cần có chứng chỉ SSL để xác minh quyền sở hữu và bảo vệ thông tin người dùng khỏi những cuộc tấn công đánh cắp dữ liệu từ các Hacker. Mặc dù, người dùng không nhận thấy được sự khác biệt giữa trang web có SSL hay không, nhưng hầu hết trình duyệt hiện tại đều đang cố gắng “cảnh báo truy cập không an toàn” cho người dùng theo nhiều cách đáng chú ý đối với các trang web HTTP hoặc cài đặt chứng chỉ SSL không hợp lệ. Do đó, những trang web sở hữu chứng chứng chỉ SSL hợp lệ thường được người dùng tin tưởng và dễ xếp hạng hơn trên các công cụ tìm kiếm.

Mã hóa: Chứng chỉ SSL tạo điều kiện thuận lợi để máy khách nhận được khóa công khai cần thiết để mở kết nối TLS đến máy chủ web. Kết nối TLS là kết nối an toàn, hoạt động dựa trên khóa công khai và khóa riêng, mỗi cặp khóa chỉ sử dụng trong một giao dịch duy nhất để đảm bảo quyền riêng tư của người dùng, bảo mật máy chủ và tính toàn vẹn của dữ liệu được truyền đi.

Xác thực: Chứng chỉ SSL xác minh máy khách đang giao tiếp với đúng máy chủ sở hữu miền. Điều này giúp ngăn chặn các cuộc tấn công giả mạo tên miền từ bên thứ ba.

HTTPS: Thiết lập chứng chỉ SSL để truyền dữ liệu qua giao thức bảo mật HTTPS. Hai công nghệ này đi đôi với nhau và bạn không thể dùng một trong hai cái. HTTPS tạo ra kết nối HTTP được bảo vệ bởi chứng chỉ SSL.

Mua chứng chỉ SSL ở đâu?

Mỗi miền cần lấy chứng chỉ SSL hợp lệ từ các cơ quan, tổ chức phát hành chứng chỉ CA đáng tin cậy. Các cơ quan cấp chứng chỉ CA đôi khi cũng được gọi là Chứng nhận thẩm quyền, mục đích hoạt động chính là xác thực danh tính cho các thực thể (như công ty, tổ chức, cá nhân, trang web, địa chỉ email,…) và đồng thời ràng buộc họ bằng các khóa mật mã thông qua việc phát hành chứng chỉ SSL.

Bạn có thể mua chứng chỉ SSL xác thực miền (DV) giá rẻ từ những nhà cung cấp hàng đầu thế giới hiện nay:

  • TheSSLStore.com – $16.95/năm
  • ComodoSSLStore.com – $7.95/năm
  • Rapidsslonline.com – $17.95/năm
  • Namecheap.com – $11.00/năm
  • GoDaddy.com $89.99/năm
  • SSL.com $49.00/năm
  • Networksolutions.com $76.89/năm
  • Globalsign.com $249/năm
  • Trustico.com $18.96/năm

Hoặc mua chứng chỉ SSL xác thực miền (DV) từ những nhà cung cấp tại Việt Nam:

  • Matbao.net – 228,000 ₫/năm
  • Bkhost.vn – 159,000 ₫/năm
  • Vietnix.vn – 160,000 ₫/năm
  • Tinohost.com – 239,000 ₫/năm
  • Inet.vn – 310,000 ₫/năm

Hướng dẫn cách cài chứng chỉ SSL cho website

Trong phần này, chúng tôi hướng dẫn chi tiết cách cài đặt chứng chỉ TLS/SSL trên từng công cụ quản trị Server khác nhau. Bạn có thể bấm vào liên kết để xem thêm chi tiết:

Tìm hiểu thêm về SSL / TLS

Để tìm hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của giao thức mã hóa SSL / TLS, hãy xem TLS là gì? Hoặc xem trang web của bạn đã triển khai bảo mật TLS đúng cách hay không bằng cách kiểm tra chứng chỉ SSL.

Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian theo dõi bài viết này, hãy truy cập vào trang web UptopZ Media để nhận thêm nhiều thông tin hữu ích khác nhé. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết thú vị tiếp theo!

Share

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tiếp tục đọc

Tạo dự án mới

Trong bảng tính Excel bạn cần có 2 cột
(từ khóa bên trái và volume bên phải)
Số từ khóa đã tải lên:0
Số credit hiện tại: 925,256
Số credit còn lại:925,256